TruyenChuFull.NET

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Chán Đời Sống Lại
Chương 90: Chiến tranh

Sau lần đụng độ với yêu thú cấp III, số phận tạm thời để Vĩnh An sắm vai anh giáo làng nhàn rỗi. Sáng sáng đến trường dạy đám trẻ, sau đó về nhà tu luyện và chăm sóc cho Lệ Thiên. Mỗi tuần một lần, cậu tiến vào linh hồn để xem tình hình chữa thương trong đó. Tốc độ hồi phục hồn lực của ma quân rất nhanh. Từ một làn khói mỏng manh, linh hồn đã ngưng tụ ra hình ra dạng. Cứ theo đà này, sẽ nhanh thôi, cậu lại được nói chuyện với anh.

Nghĩ đến đây, tâm trạng Vĩnh An khoan khoái hẳn lên, đôi chân thoăn thoắt bước ra sân tưới nước cho Nhất Chi Mai. Chuyện đời đúng là khó lòng nói trước, lời hứa mang cây trở về đã bị bao nhiêu sự kiện vùi lấp. Cậu khẽ thở dài, chẳng biết bao giờ mới trả xong món nợ này.

- Thầy ơi! - Bé Hương đứng ngoài cửa gọi vào.

Thầy giáo dừng tưới cây, vừa đi vừa khó hiểu, hôm nay là chủ nhật đâu có dạy học, con bé đến gọi mình làm chi?

- Em vào đi. Kiếm thầy có việc gì?

- Nay nhà em làm chả giò. Mẹ bảo em mang ít cuốn sang biếu thầy lấy thảo.

Vĩnh An định từ chối, bởi vì từ khi anh bị như thế, cậu chẳng còn tâm trạng ăn uống bất cứ món gì, trong lòng lo sợ nhìn cảnh lại nhớ người. Nhưng mà, nhìn cuốn chả giò giòn rụm, vàng ươm trong tay cô bé, thì thầy giáo liền nảy ra một ý. Cậu nhớ anh rất thích ăn chả giò, mỗi lần ăn đúng ba cuốn. Ma quân có lần giải thích ăn vậy là vừa, nhiều hơn dễ ngán, ít hơn chưa hết thèm. Chả giò cuốn khéo như thế hẳn sẽ rất ngon, thầy giáo hớn hở mở lời:

- Em nói mẹ dạy thầy làm món này được không?

Bé Hương ngạc nhiên, đàn ông nơi này đâu có xuống bếp, ba nó cũng thế, nấu nướng là việc của đàn bà con gái. Đàn ông xa lạ lại càng không thể vào bếp. Nó phân vân một hồi mới đề nghị:

- Em cũng biết làm, để em chỉ cho. Thầy vào bếp nhà em không được đâu.

- Vậy cũng được. - Vĩnh An vừa gật vừa nói, rồi lại nhớ ra. - Bếp nhà thầy không có gì hết.

- Không có gì hết? Vậy thầy ăn gì?

Ăn không khí chớ ăn gì. Mà nói thế sẽ hù học trò chạy mất, thầy giáo ậm ừ cho qua:

- Gặp gì ăn nấy. - Rõ ràng là gặp không khí trước nhất, nói vậy cũng không tính đi lừa trẻ con.

Bé Hương tự động bổ não thầy giáo nhà mình thuộc họ ăn chay. Trong thôn cũng có mấy người như thế, toàn hái trái cây trên rừng về ăn. Nên nó không thắc mắc nữa, nhanh tay để đĩa chả giò xuống bàn rồi chạy ù về nhà.

Lát sau, nó khệ nệ bê đủ thứ đồ, theo sau còn có thằng Tí và con Mẹo. Chúng nó nghe chuyện dạy thầy giáo nấu ăn thì vui ra mặt, một hai đòi theo, trong nhà có thứ gì mang được liền bê qua hết.

Thầy giáo hôm nay nghiêm túc đổi sang làm họ trò, chăm chú nghe đầu bếp nhí giảng bài. Con Hương tằng hắng mấy cái cho bớt căng thẳng rồi mới bắt đầu:

- Làm chả giò thầy cần có bánh tráng này, thịt ba chỉ, khoai sọ hoặc đậu xanh, rồi tôm nữa. Thầy đừng chọn thịt nhiều nạc, chả giò sẽ bị khô không ngon. Còn đậu xanh với khoai sọ để làm cho chả giò thêm béo, thầy chọn cái nào cũng được. Em thích ăn khoai sọ hơn, vì nó thơm.

Vĩnh An gật gù:

- Thầy đã nhớ, em tiếp đi.

Ba đứa học trò tròn xoe hai mắt, không cần ghi chép, trí nhớ của thầy thật tốt. Chẳng bù cho bọn nó học trước quên sau.

Con Hương lại tiếp tục:

- Bắt đầu làm thôi.

Nó ra hiệu cho thằng Tí băm thịt, con Mẹo bóc tôm, bản thân nó thì đi bào khoai sọ, cậu theo phân công được ngồi đó ngó. Vĩnh An cảm thấy có gì đó sai sai, cuối cùng, ai mới là người cần học nấu ăn?

Sơ chế xong nguyên liệu, con Hương bắt đầu đẩy tô thịt băm qua cho cậu:

- Thầy trộn đi, đánh đều tay cho thịt dai ngon. Nêm thêm muối, bột ngọt, tiêu... vừa miệng thầy là được.

Vĩnh An nghiêm túc làm theo chỉ đạo, tay chân vụng về, nêm nếm thiếu muối nhiều tiêu. Trộn thịt thì như đi đánh nhau, thiếu điều văng hết ra ngoài. Đám học trò được dịp cười nghiêng cười ngả, cả khoảng sân rộn ràng hẳn lên.

Khó nhất là cuốn chả giò, bé Hương dồn hết tâm trí vào phần này. Nó trải miếng bánh tráng hình vuông xuống bàn, tay làm, miệng thuyết minh, mô tả chi tiết, hướng dẫn kỹ lưỡng:

- Thầy đặt một góc nhọn hướng về phía mình. Góc này em gọi là góc số một. Đầu tiên là quét một lớp thịt vào bánh tráng, rồi tới khoai sọ bào sợi, trên cùng là con tôm. Làm vậy lúc ăn mới ngon. Tiếp theo thầy gấp góc thứ hai đè lên góc thứ tư. Cuối cùng là cuốn từ góc thứ nhất sang góc thứ ba, quét trứng dán lại là xong. Đâu, thầy làm thử coi.

Cậu nhìn chăm chú, trán lấm tấm mồ hôi. Coi bộ còn khó hơn luyện khí. Vĩnh An bắt chước làm theo y chang, đến cuốn thứ mười mà vẫn sức sẹo méo mó. Lũ trẻ ở bên cạnh cổ vũ nhiệt tình, tác phẩm không vì vậy mà khá hơn chút nào. Đến khi hết nguyên liệu, cuốn chả giò mới tạm thời chấp nhận được.

Cô giáo nhỏ nhìn sản phẩm của học trò bự thật lòng khuyên nhủ:

- Cái gì thầy cũng phải chăm chỉ rèn luyện mới khá. Có công mài sắt có ngày nên kim.

Hai đứa bạn còn lại cũng gật đầu phụ hoạ.

Vĩnh An thấy ngờ ngợ thế nào, hình như câu này cậu hay dặn bọn nhóc đây mà.
Giữa lúc này, tình hình chính sự ở đảo quốc An Lạc lại không được bình yên như thế.

Ma đế Thuần Khương vừa kết thúc quá trình bế quan ngày hôm trước, hôm sau lập tức tập hợp quân đội tiến đánh đạo tu.

Thế giặc tiến quân như lũ quét ập đến. Đoàn quân ma tu đi đến đâu cỏ không mọc nổ ở đó. Đường xá làng mạc đều bị đốt trụi, phơi thây đầy đồng. Lũ kềnh kềnh ăn xác thối là bên được lợi nhất, ngày ngày chỉ cần bay theo đám người mặc áo đen là chắc mẩn được ăn uống no say. Tiếng than khóc vang vọng khắp các nẻo đường xa gần.

Sâm Cầm, Đại Tượng, Vĩnh Bình y như dự đoán ban đầu biến thành chiến trường khốc liệt. Quân đội hai bên đều dồn lực lượng mạnh nhất về phía biên giới, quyết sống mái một phen với kẻ thù. Đạo tu không thể để mất vùng biên giới. Ma tu quyết lấy cho được hòng tiến sâu vào bên trong. Ban ngày cũng như bạn đêm, linh lực và ma khí đua nhau xé ngang bầu trời, âm thanh đối kháng rền vang. Người dân không khi nào được yên ổn, phần lớn bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn chạy loạn vào khu vực an toàn hơn. Giữa lúc tình hình rối loạn như thế, Bạch Khả Anh nổi lên như vị chỉ huy tài ba. Gia tộc kiếm tu đóng góp rất nhiều tu sĩ thiện chiến cho quân đội. Góp phần giúp phe đạo tu miễn cưỡng chống đỡ trước cơn sóng thần đen.

Cả nước đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, Quốc trưởng bỗng nhiên mất tích, thay vào đó là những mệnh lệnh được truyền từ xa. Bốn nhà còn lại lập tức bất phục, nhất là xưa nay các gia chủ vẫn mang tâm lý coi thường Thành Đông. Người ta râm ran đồn đoán sau đợt này Khả Anh sẽ thay thế vị trí quốc trưởng. Nhà họ Mạc cuối cùng cũng rơi vào suy thoái.

Thượng tầng vừa lo đấu đá nội bộ, vừa lo đối phó ma tu, hiển nhiên cũng kéo đời sống dân thường vào chung vũng lầy. Giờ đây người ta mới thấm thía câu nói: "Để tu sĩ và chính quyền lo." Đúng là có lo, nhưng là lo ăn trên ngồi trốc mới đúng bản chất vấn đề. Đến khi trời nổi sóng gió thì thân ai nấy lo, mệnh ai nấy giữ.

Bằng cách này hay cách khác, cả thiên hạ đều bị lôi vào vòng chiến. Những thanh niên trai tráng theo lời hiệu triệu bỏ nhà bỏ cửa đi ra sa trường. Tu sĩ sẽ huấn luyện bọn họ sử dụng cỗ máy linh lực xông pha tuyến đầu, trở thành tốt thí không hơn không kém. Mười người ra trận hết năm chết, ba trọng thương, số còn lại cũng chẳng lành lặn.

Những ai không ra chiến trường buộc phải lao động khổ sai trong các mỏ linh thạch, làm quần quật từ sáng đến tối để cung cấp linh thạch cho quân đội. Rất nhiều người chết tức tưởi trong những vụ sập hầm, hay kiệt sức bỏ mạng trên những chiếc xe đẩy bẩn thỉu.

Khi chiến tranh đi đến giai đoạn khốc liệt nhất, cũng là lúc tất cả nhận ra linh dược thiếu trầm trọng. Người dân được lệnh nhổ lúa trồng linh thảo. Kéo theo hệ quả nạn đói ập đến. Mọi người gần như ăn sạch tất cả những gì có thể bỏ vào miệng. Chú chó trung thành phút trước vẫy đuôi mừng chủ, phút sau đã trở thành món ăn trên bàn để kéo dài sự sống cho con người.

Dần dà nguồn thức ăn cũng cạn kiệt đến đáy. Xã hội biến thành bộ phim kinh dị khủng khiếp nhất mọi thời đại. Trẻ em chết đói, người ăn thịt người diễn ra như cơm bữa. Thiên hạ ban đầu còn sốc, sau nhìn riết thành quen, ở trong thời loạn, đừng bàn đến đạo đức.

Xác chết như rạ, thây phơi đầy đồng. Người sống không đủ sức để chôn người nhắm mắt. Không khí, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Dịch tả hoành hành. Xã hội rơi vào khủng hoảng, đảo quốc An Lạc chưa bao giờ cùng cực như vậy. Cướp của, giết người, hiếp dâm... và nhiều tệ nạn khác như con ngựa chứng thoát cương, đẩy dân thường đến bờ vực diệt vong.